Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Giảng ký - Tập 41/51 [Diễn đọc]

Thanks! Share it with your friends!

You disliked this video. Thanks for the feedback!

Added by admin
10 Views
Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Giảng ký
Tập 41/51 [Diễn đọc]
-----

KHI CHÚNG TA TIẾP XÚC VỚI THIỆN TRI THỨC, THỰC SỰ LÀ CHÚNG TA ĐÁNH RẤT NHIỀU DẤU HỎI. THẾ NÊN THÂN CẬN MỘT VỊ THẦY, QUA VÀI NGÀY BÈN ĐỔI Ý, CỨ NGHĨ CÒN CÓ NGƯỜI CAO MINH HƠN HỌ, HỌ CHẲNG ĐÚNG LẮM. CẢ ĐỜI ĐỀU DO DỰ, NGHI HOẶC, THÌ LÀM SAO THÀNH TỰU ĐƯỢC?

Ai là thiện tri thức? Phật là thiện tri thức, chúng ta phải học theo Phật. [Hiện nay] Phật chẳng còn tại thế, phải noi theo ai? Phải noi theo kinh điển, đây là lời Phật dạy “Y pháp chẳng y người”. Thế nhưng bạn phải hiểu được nguyên tắc, những kinh Phật nói trong suốt cả đời rất nhiều, bạn chỉ có thể học theo một loại chứ không thể học nhiều được. Ý tứ này cũng giống như thầy thuốc chữa trị cho bệnh nhân vậy, thầy thuốc chẩn đoán cho bạn, ra vài thứ thuốc cho bạn uống, uống xong thì bệnh sẽ khỏi. Tuyệt chẳng có nói lấy hết thảy các thứ thuốc cất trong tiệm thuốc đem về uống hết, bất luận bạn bị bệnh gì cũng uống những thuốc này, vậy thì chắc chắn phải chết không nghi gì cả, đâu có đạo lý như vậy! Tam tạng mười hai bộ kinh trong Đại Tạng Kinh là do đức Phật giảng trong suốt cả đời, cũng giống như tất cả thuốc trong tiệm thuốc, nếu bạn uống hết thảy những thuốc này thì sẽ chết liền, bạn còn được cứu hay sao? Thế nên chư vị phải biết thuốc có thể hại người, Phật pháp cũng có thể hại người, hại pháp thân huệ mạng, hại chết người. Hồi trước lúc tôi còn học theo thầy Lý, cùng bạn học thảo luận đến vấn đề này tôi đã nói như vậy, các bạn đồng học nghe xong chẳng phục nên đi hỏi thầy, thầy nói: Đúng vậy, không sai.

Pháp phải khế cơ, chúng ta chỉ có thể học theo một môn. Trong kinh Phật giảng, giảng kinh thuyết pháp đều có “người đương cơ”, người khải thỉnh, người ấy vừa nghe xong liền khai ngộ. Chúng ta phải hiểu đạo lý này, Phật giảng hết thảy kinh chẳng phải giảng cho riêng mình mà là giảng cho rất nhiều người căn tánh chẳng giống nhau vào thời đó. Căn tánh của mình là gì? Trong hết thảy kinh này phải chọn loại nào? Cũng giống như thầy thuốc đã trị bệnh cho rất nhiều người, toa thuốc rất nhiều chất đống ở đó. Hiện nay thầy thuốc chẳng còn nữa, chúng ta sanh bệnh, phải làm sao? Phải tìm trong những toa thuốc này, quan sát loại nào thích hợp với mình. Nếu uống lầm thì không những chẳng có ích gì cho mình mà còn có hại nữa, làm sao có thể tùy tiện uống thuốc được?

Ngày nay là thời Mạt Pháp, ai là thiện tri thức? Ai có thể thay thế chúng ta tuyển chọn pháp môn, làm con mắt chọn lựa pháp cho chúng sanh thời Mạt pháp? Chẳng tìm ra hạng người này. Khi chúng ta tiếp xúc với thiện tri thức, thực sự là chúng ta đánh rất nhiều dấu hỏi. Thế nên thân cận một vị thầy, qua vài ngày bèn đổi ý, [cứ nghĩ còn] có người cao minh hơn họ, họ chẳng đúng lắm. Cả đời đều do dự, nghi hoặc, thì làm sao thành tựu được? Thế Tôn đại từ đại bi sớm biết được tình trạng của chúng sanh trong thời Mạt pháp, gặp những khó khăn như vậy nên trong kinh Đại Tập, Ngài đã khai thị rõ ràng cho chúng ta, chỉ dẫn cho chúng ta một phương hướng, một nguyên tắc, Ngài nói: Thời Chánh Pháp thì Giới Luật thành tựu, thời Tượng Pháp thì Thiền Định thành tựu, thời Mạt Pháp thì Tịnh Độ thành tựu, đây là một đại phương châm, đại phương hướng cho chúng ta.

Ngày nay chúng ta sanh vào thời Mạt Pháp, chúng ta tuân theo lời dạy của Phật, chuyên tu pháp môn Tịnh Độ, vậy là chẳng sai. Kinh luận của Tịnh Tông ít hơn so với bất kỳ tông phái nào, số lượng kinh điển chúng ta y cứ rất ít. Ít thì dễ thọ trì. Nhưng chúng ta biết bộ kinh thứ nhất trong Tịnh Tông là kinh Vô Lượng Thọ, năm xưa lúc đức Phật còn tại thế đã giảng kinh này nhiều lần, đây là một pháp môn rất đặc biệt. Trong đời đức Phật Thích Ca chẳng giảng kinh nào nhiều lần ngoài kinh Vô Lượng Thọ. Căn cứ vào tư liệu còn được lưu lại có thể chứng minh tối thiểu Ngài đã giảng hết ba lần, có thể nhiều hơn, giảng nhiều lần nghĩa là pháp môn này đặc biệt quan trọng lắm. Cho nên kết tập kinh tạng cũng nhiều lần kết tập, truyền đến Trung Quốc có đến mười hai lần phiên dịch, rất đáng tiếc là những bản dịch này trong mười hai bản đã mất hết bảy bản, hiện nay chúng ta chỉ có thể coi năm bản giữ trong Đại Tạng Kinh. Nội dung của năm bản này đại đồng tiểu dị, những chỗ khác nhau này cũng rất quan trọng, giúp cho chúng ta đoạn trừ nghi hoặc, sanh lòng tin.

- Trích: Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Giảng Ký
Category
Giảng Pháp

Post your comment

Comments

Be the first to comment