Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Giảng ký - Tập 19/51 [Diễn đọc]

Thanks! Share it with your friends!

You disliked this video. Thanks for the feedback!

Added by admin
11 Views
Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Giảng ký
Tập 19/51 [Diễn đọc]
-----

CHÚNG TA PHẢI HOẰNG DƯƠNG, PHÁT TRIỂN RỘNG RÃI PHÁP MÔN NÀY, ĐẠO TRÀNG NÀY MỚI XÂY, CÓ THỂ Ở ĐÂY GIẢNG MỘT BỘ KINH ĐỊA TẠNG, PHÙ HỢP VỚI BỔN NGUYỆN CỦA CHÚNG TA, VÔ CÙNG HY HỮU.

Đức Phật bảo bốn vị Thiên Vương rằng: “Bồ Tát Địa Tạng từ bao kiếp lâu xa đến nay, độ thoát chúng sanh vẫn chưa mãn nguyện, từ bi thương xót chúng sanh tội khổ ở đời này, lại quán thấy vô lượng kiếp về sau, nghiệp nhân cứ dây dưa chẳng dứt, vì lẽ đó nên lại phát trọng nguyện.

Trên thực tế Địa Tạng Bồ Tát ở đây hiện thân thuyết pháp dạy chúng ta, dạy chúng ta việc gì? Dạy chúng ta phải không ngừng phát nguyện, thế nên trong khóa lễ sáng tối chúng ta đều phát nguyện. Vãng Sanh Luận của Thiên Thân Bồ Tát, trong Ngũ Niệm Pháp Môn có phát nguyện. Phải thường phát nguyện, tại sao vậy? Nếu ba ngày không phát nguyện thì quên ráo trọi. Phàm phu nghiệp chướng tập khí quá nặng, bên trong có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, bên ngoài có dụ hoặc của ngũ dục lục trần, chúng ta sinh sống trong hoàn cảnh này nếu không đọc kinh mỗi ngày, phát nguyện mỗi ngày thì chẳng giữ vững nổi, chúng ta sẽ bị những làn sóng này nuốt mất. Nói cách khác, chúng ta nhất định sẽ sanh tử luân hồi y như cũ, chắc chắn sẽ đọa tam ác đạo, chúng ta phải cảnh giác từng giờ từng phút. Trong những đợt sóng chập chùng này, trong những ngọn sóng mạnh mẽ này, chân chúng ta phải đứng cho vững, vừa sơ ý một chút liền bị cuốn trôi đi mất. Làm thế nào chân mới có thế đứng vững chắc được? Chính là Địa Tạng pháp môn. Thế nên từ trước đến giờ, khi mỗi đạo tràng mới thành lập thì nhất định phải giảng kinh Địa Tạng trước hết, để chúng ta có một mảnh đất. Đạo tràng này đã xây xong mà chưa giảng kinh này, nhân duyên kỳ này quá tốt, được lệnh của lão hòa thượng Nhân Đức, Ngài là đại biểu cho Địa Tạng Bồ Tát của chúng ta hôm nay, Chúa Cứu Thế của chúng sanh đời Mạt Pháp, chúng ta đi theo lão hòa thượng. Chúng ta phải hoằng dương, phát triển rộng rãi pháp môn này, đạo tràng này mới xây, có thể ở đây giảng một bộ kinh Địa Tạng, phù hợp với bổn nguyện của chúng ta, vô cùng hy hữu. Bộ băng thâu hình này sẽ được lưu thông rất rộng, giúp cho những đạo tràng mới xây dựng, chúng tôi chẳng có cách chi phân thân, chẳng thể [trực tiếp] đến đó giảng kinh thì dùng bộ băng thâu hình này.

Chúng ta phải thể hội đến Bồ Tát từ nhiều kiếp lâu xa mãi cho đến nay, tại sao độ thoát cho những chúng sanh này nhưng vẫn chưa viên mãn đại nguyện của Ngài, chính là như trong kinh nói: “Chúng sanh ở cõi Diêm Phù Đề ương ngạnh khó giáo hóa”. Trong lục đạo, tình hình mỗi đạo đều giống nhau, Thiên Thai đại sư khai diễn Pháp Hoa, giảng “trăm giới ngàn như” cho chúng ta, đó là chân tướng sự thật, trong mỗi pháp giới đều có mười pháp giới. Trong tâm chân thành của chúng ta khởi một niệm A Di Đà Phật thì đó là pháp giới Phật, khởi một niệm Địa Tạng Bồ Tát thì là pháp giới Bồ Tát, vừa khởi một niệm tham-sân-si thì đó là pháp giới tam ác đạo: Địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Nghiệp nhân quả báo của thập pháp giới chuyển biến trong từng một niệm, đây là hiện tượng luân hồi, đây là nghiệp nhân căn bản của luân hồi. Chúng ta tiếp nhận di giáo của Phật, có duyên đọc tụng kinh điển Đại Thừa, đây tức là Địa Tạng Bồ Tát độ chúng ta, kéo chúng ta ra khỏi tam ác đạo đến cõi nhân thiên, độ đến pháp giới Phật, Bồ Tát. Tánh thức của chúng ta ương ngạnh, khó giáo hóa, vừa rời khỏi giảng đường, xếp cuốn kinh lại thì đọa lạc ngay, lại đọa lạc đến địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, không phải chúng ta mỗi ngày đều làm việc này hay sao? Thế nên nhọc sức Địa Tạng Bồ Tát nhiều kiếp lâu xa đến nay, mỗi ngày đều phải phát nguyện, thương xót những chúng sanh tội khổ chúng ta. Giác căn của chúng ta không vững, nguyện lực của chúng ta yếu ớt, lòng tin rất yếu mềm, chẳng chống chọi nổi phiền não tập khí. Bồ Tát nhìn thấy vô cùng rõ ràng, “vô lượng kiếp trung, nhân mạn bất đoạn”, “nhân mạn” là thí dụ, giống như cỏ bò lan dưới đất, nghiệp nhân của cỏ bò lan rất khó diệt tận. Ví như phiền não tập khí của chúng ta, tạo nghiệp thọ báo, luân hồi vô tận, dùng bốn chữ này hình dung quá đúng. Nhưng Bồ Tát vẫn chẳng nản chí, chẳng lùi bước, vẫn dốc hết tâm, hết sức giúp đỡ chúng sanh.

- Trích: Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Giảng Ký
Category
Giảng Pháp

Post your comment

Comments

Be the first to comment