Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Giảng ký - Tập 48/51 [Diễn đọc]

Thanks! Share it with your friends!

You disliked this video. Thanks for the feedback!

Added by admin
13 Views
Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Giảng ký
Tập 48/51 [Diễn đọc]
-----

PHẢI BIẾT VIỆC CÚNG DƯỜNG HÌNH TƯỢNG PHẬT BỒ TÁT CHÍNH LÀ GIÁO HỌC, HƠN NỮA CÒN CÓ Ý NGHĨA QUAY VỀ BÁO ĐÁP ÂN ĐỨC CỘI NGUỒN. CHÚNG TA LÀ ĐỆ TỬ PHẬT, KHI GẶP NGƯỜI CÓ HOÀI NGHI THÌ PHẢI GIẢI THÍCH CHO HỌ HIỂU SỰ ĐƯỢC LỢI ÍCH CHÂN THẬT CỦA SỰ CÚNG DƯỜNG NÀY.

Phía sau nói “làm khám thờ”, khám là căn nhà nhỏ để cúng dường tượng Phật, dùng đất, dùng gạch, dùng trúc, dùng gỗ đễ làm khám đều được. Hiện nay người Trung Quốc chẳng đòi hỏi làm cho được tỉ mỉ, còn người Nhật rất chăm chút khi làm khám, bất luận là tượng Phật lớn, tượng Phật nhỏ, người Nhật đều nhất định phải làm khám để thờ, khi cúng thì họ mở cửa khám này ra, cúng xong thì họ đóng cửa lại, như vậy rất có lý. Thật ra người Nhật học được từ thời Tùy Ðường và vẫn giữ gìn mãi cho đến ngày nay, họ chẳng thay đổi, tinh thần này của người Nhật rất đáng cho chúng ta học theo, không thay đổi những lời dạy của cổ thánh tiên hiền. “Trong đó có thể tô vẽ, thậm chí đúc hình tượng của Ðịa Tạng Bồ Tát bằng vàng bạc”, cúng dường hình tượng Bồ Tát trong khám thờ, hình tượng này vẽ cũng được, tô đắp cũng được. Bất luận dùng chất liệu gì để làm, phía sau nêu lên vài thí dụ, vàng, bạc, đồng, thiết đều thuộc về kim loại, dùng gỗ để điêu khắc cũng được, dùng đất sét đắp cũng tốt.

Bạn có thể cúng dường, “đốt hương cúng dường, chiêm lễ tán thán”. Ý nghĩa của việc cúng dường hình tượng Ðịa Tạng Bồ Tát là gì, chúng ta nhất định phải hiểu. Thứ nhất là làm cho chúng ta khởi lên tâm lễ kính, Phổ Hiền Bồ Tát dạy chúng ta phương pháp tu hành, trong mười cương lãnh thì thứ nhất là “Lễ kính chư Phật”, nhìn thấy hình tượng Phật, Bồ Tát thì liền khởi lên tâm lễ kính. Chúng ta phải dùng tâm lễ kính chư Phật, Bồ Tát trong đời sống hằng ngày, đối với mọi người cũng lễ kính như vậy, đối với mọi sự việc đều phải lễ kính. Kính sự tức là hết lòng phụ trách, tận tâm tận lực làm việc đó cho viên mãn, đó nghĩa là lễ kính đối với sự việc. Ðối với vật cũng như vậy, đối với bàn ghế chúng ta cũng phải lễ kính, chẳng phải là lễ lạy, mà là sắp xếp những vật này cho ngay ngắn, lau chùi sạch sẽ, đó là lễ kính. Nếu sắp méo xẹo, trong đó đóng bụi, dơ dáy không lau chùi thì đó là không kính. Do đó đối người, đối sự, đối vật chỉ có một tâm chân thành cung kính, đó là ý nghĩa thứ nhất của việc cúng dường hình tượng Phật, Bồ Tát, chúng ta thực sự đạt được thọ dụng chân chánh.

Ý nghĩa thứ hai là “nhìn thấy thánh hiền thì nghĩ mình phải [học theo] cho giống”, Phật, Bồ Tát cũng là từ phàm phu tu thành, ngày nay các Ngài thành Bồ Tát, thành Phật, tại sao chúng ta còn là phàm phu, do đó chúng ta phải noi gương Bồ Tát, học theo Bồ Tát, đời này chúng ta cũng phải làm Phật, làm Bồ Tát, thúc đẩy ý chí hướng thượng của chúng ta, đây là ý nghĩa thứ nhì.

Ý nghĩa thứ ba là khi nhìn thấy hình tượng Phật, Bồ Tát, thì liền nghĩ đến lời dạy của Phật, Bồ Tát, nhìn thấy hình tượng Ðịa Tạng Bồ Tát liền nghĩ đến lời dạy của đức Thế Tôn trong kinh Ðịa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện. Chúng ta phải ghi nhớ kỹ lưỡng, phải giải sâu nghĩa thú, y giáo phụng hành. Do đó cúng dường hình tượng Phật, Bồ Tát có ba ý nghĩa này, chẳng phải là mê tín, phần đông người ta nói chúng ta cúng dường hình tượng Phật, Bồ Tát là cúng bái ngẫu tượng, đó là sai rồi, họ hoàn toàn hiểu lầm. Do đó có thể biết việc cúng dường tượng Phật, Bồ Tát trong nhà Phật có ý nghĩa rất sâu, rất rộng; nói tóm lại thì đó là giáo học, chẳng lìa giáo dục, hơn nữa trong đó có ý nghĩa quay trở về cội gốc, báo đáp ân đức cội nguồn. Chúng ta làm đệ tử Phật, bất luận tại gia, xuất gia, khi gặp người có hoài nghi, chúng ta phải giải thích, làm cho họ hiểu sự lợi ích chân thật của sự cúng dường hình tượng Phật, Bồ Tát. Lợi ích này là lợi ích thân thiết với mình, lợi ích ngay trước mắt, chẳng có gì là mê tín! “Chiêm lễ tán thán”, tán thán tức là giải thích, diễn thuyết cho người. Tự mình y giáo phụng hành là tán thán, vì người diễn nói cũng là tán thán.

- Trích: Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Giảng Ký
Category
Giảng Pháp

Post your comment

Comments

Be the first to comment