Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Giảng ký - Tập 44/51 [Diễn đọc]

Thanks! Share it with your friends!

You disliked this video. Thanks for the feedback!

Added by admin
15 Views
Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Giảng ký
Tập 44/51 [Diễn đọc]
-----

SAU KHI ĐỨC PHẬT THÍCH CA DIỆT ĐỘ, NGÀI ĐỊA TẠNG THAY THẾ ĐỨC PHẬT, KHI ĐÓ HẾT THẢY CHƯ PHẬT BỒ TÁT ĐỀU TRỢ GIÚP CHO NGÀI ĐỊA TẠNG, KHÔNG GIỐNG NHƯ PHÀM PHU, PHÀM PHU SẼ NGHĨ RẰNG: “ĐÂY LÀ VIỆC CỦA NGƯỜI ĐÓ LÀM, KHÔNG LIÊN CAN GÌ VỚI MÌNH”, ĐÂY LÀ TRI KIẾN CỦA PHÀM PHU.

Sau khi đức Phật diệt độ, ngài Địa Tạng thay thế đức Phật, nghĩa là sau khi đức Phật diệt độ, sau ba thời kỳ Chánh Pháp, Tượng Pháp và Mạt Pháp trong pháp vận của đức Phật, ngài Địa Tạng thay thế đức Phật, tương lai sau khi pháp vận của đức Phật hết rồi, một vạn hai ngàn năm sau khi đức Phật diệt độ mãi cho đến khi Di Lặc Bồ Tát hạ sanh thị hiện thành Phật, đoạn thời gian ấy rất dài, dùng thời gian chúng ta để tính thì là hơn năm mươi mấy ức năm, trong khoảng thời gian này thế gian không có Phật pháp nên chúng sanh rất khổ, phải nhờ vào sự giúp đỡ của Địa Tạng Bồ Tát, phải nhờ Địa Tạng Bồ Tát dạy dỗ, đây là lời dặn dò của đức Phật trong pháp hội giảng kinh này. Địa Tạng Bồ Tát gánh vác sứ mạng này, hết thảy chư Phật, Bồ Tát đều trợ giúp Địa Tạng Bồ Tát, giúp sức để Ngài hoàn thành sứ mạng độ chúng sanh. Tại sao chư Phật Như Lai, chư Đại Bồ Tát đều đến giúp đỡ Địa Tạng Bồ Tát? Vì hoằng nguyện độ hóa chúng sanh là nguyện chung của chư Phật, Bồ Tát, bất cứ người nào đứng ra dẫn đầu thì các Ngài đều vô cùng hoan hỷ giúp sức, tuyệt đối không bao giờ có chuyện đố kỵ, gây chướng ngại, chỉ có dốc hết sức lực để giúp cho thành công. Trong thế pháp thường có câu “thành nhân chi mỹ” (thành tựu cho sự tốt đẹp của người ta) huống chi chuyện này là bổn phận của chư Phật, Bồ Tát, đâu lẽ nào các Ngài không chịu tận tâm tận lực trợ giúp cho được?

Tri kiến phàm phu thì khác, phàm phu sẽ nghĩ: Đây là việc người đó làm, chẳng liên can gì với mình. Đó là tri kiến phàm phu. Chúng ta phải hỏi họ làm việc này có nhằm đem lại lợi ích cho xã hội, lợi ích cho chúng sanh hay không? Ngày nay việc chúng ta làm có phải cũng là đem lại lợi ích cho xã hội, cho chúng sanh hay không? Nếu mục đích giống nhau thì đâu có gì phải phân biệt? Hà tất phải phân chia ra mình và người, phân chia như vậy thì chướng ngại sự nghiệp. Nếu biết việc này là nguyện vọng chung, là sự nghiệp chung [của mọi người] thì mình và người sẽ không hai, họ làm cũng như chính mình làm. Nói thật ra họ làm thì chính chúng ta phải nên vui mừng, vì có người đã làm, mình khỏi mắc công làm, mình chỉ đứng ở kế bên dốc hết tâm hết sức trợ giúp họ, như vậy cũng viên mãn công đức. Do đó cách suy nghĩ của chư Phật, Bồ Tát khác với cách suy nghĩ của phàm phu. Phàm phu nghĩ việc này nhất định phải thuộc về mình thì mình mới sốt sắng làm, nếu không phải của mình thì sự sốt sắng ấy giảm bớt. Tuy Phật dạy chúng ta tùy hỷ công đức, cứ tưởng rằng sự tùy hỷ đó cũng không viên mãn, đó là tư tưởng và quan niệm sai lầm của phàm phu, chướng ngại cơ duyên tích lũy công đức của chính mình; chẳng biết sự thành tựu của họ chính là sự thành tựu viên mãn của mình, cho nên thường không thể hết sức tùy hỷ.

Quy kết nguồn gốc cũng là vì trí huệ chưa mở mang, chưa hiểu rõ chân tướng sự thật, nên còn chia mình và người, còn chia mình và người là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước chưa buông xuống được, đây là chướng ngại nặng nề cho việc tu học và tích lũy công đức. Nguyên nhân chánh là vậy, cho nên chư Phật, Bồ Tát cực lực khuyên chúng ta phải đọc tụng Đại Thừa, dạy chúng ta phải thân cận thiện tri thức, đạo lý là như vậy. Thiện tri thức ở đâu? Kinh giáo Đại Thừa chính là thiện tri thức, những chú giải của các vị Tổ sư, đại đức đời xưa chính là thiện tri thức, chúng ta phải thường đọc tụng, thường tìm hiểu, y giáo phụng hành, đó mới thực sự là thân cận Phật, Bồ Tát, thân cận thiện tri thức.

Trong các vị tri thức hiện tiền, chữ tri thức chính là như chú giải của cổ đức đã giải thích, tri là nói chúng ta biết người đó, nghe danh nhưng chưa gặp mặt gọi là tri, thức là người mình nhận biết, đã từng gặp mặt. Những vị tri và thức này đương nhiên đều là những người chúng ta rất ngưỡng mộ, rất tôn kính, họ rất đáng cho chúng ta ngưỡng mộ và tôn kính. Trong Phật pháp việc này thuộc về đạo nghiệp, đạo đức và học vấn chứ không phải là tài sản, địa vị, những gì chúng ta ngưỡng mộ là đạo đức và học vấn. Trong những vị tri thức đương thời, đức học của họ tương ứng với Phật pháp, chúng ta có thể học theo họ, nếu đạo đức và học vấn của họ chẳng tương ứng với kinh điển, chúng ta phải kính trọng nhưng tránh xa họ. Nghĩa là chúng ta tôn kính nhưng chúng ta không học theo họ, chẳng có nghĩa là chúng ta trốn lánh họ, hiểu vậy sai rồi, như vậy là không có ý kính trọng. Đây là thái độ chính xác của người cầu học, chúng ta không học theo họ.

- Trích: Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Giảng Ký
Category
Giảng Pháp

Post your comment

Comments

Be the first to comment