Ý nghĩa của câu Một Lòng Chuyên Niệm. Nhất định phải rõ ràng, phải thấu đáo.

Thanks! Share it with your friends!

You disliked this video. Thanks for the feedback!

Added by admin
5 Views
Trích đoạn : Kinh Vô Lượng Thọ....tập 259 - 257

Chủ giảng: Hòa Thượng Tịnh Không
Làm sao mới có thể thật sự tránh khỏi kiếp nạn này? “Y giáo phụng hành”. Tịnh Tông đích thực rất thù thắng, cái này thì không phải giả, chúng ta ở trong “Tịnh Độ Thánh Hiền Lục”, trong “Vãng Sanh Truyện” đều đã xem thấy, chỉ sợ bạn không thật làm. Chúng tôi đã làm một sự thống kê khái lược, người tu học Tịnh Độ cần thời gian bao lâu để thành tựu? Có đến gần một nửa số người từ 3 năm đến 5 năm liền thành công. Vậy chúng ta hiện tại có người đã tu mấy mươi năm mà cũng không thể thành công, rốt cuộc là vì sao? Vì không thật làm. Giống như phương pháp tôi vừa mới nói, bạn quả nhiên thật làm, 3 đến 5 năm nhất định sẽ có thành tựu. “Thật làm” thì các vị phải nhớ, tổng nguyên tắc là phải khiến tâm hành của chúng ta thuần tịnh, thuần thiện, không để chút bất tịnh, bất thiện gì xen tạp, bạn mới có thể thành công. Vậy phải dùng phương pháp gì để đạt được mục tiêu này? Chính là niệm Phật. Trong cuộc sống thường ngày, ý niệm vừa khởi lên, liền niệm “A Di Đà Phật” để dẹp bỏ nó đi. Các Đại đức trong Tông Môn đã nói: “Không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”. Câu Phật hiệu này của Tịnh Độ tông chúng ta chính là giác. Không sợ niệm khởi, ý niệm vừa khởi lên, ý niệm thứ hai liền niệm A Di Đà Phật, liền đem ý niệm trước loại trừ đi. Vì vậy nhất định phải ở ngay trong cuộc sống thường ngày, mỗi một chỗ nhỏ nhặt nào cũng nhất định không thể để cho có một chút bất thiện bất tịnh nào xen lẫn. Lúc ăn cơm thì cũng không được quên, thấy món ăn này ngon hơn một chút thì liền “A Di Đà Phật”, vì sao vậy? Cái “ngon” đó chính là tâm tham đã khởi lên. Món ăn này nấu không hợp khẩu vị, tâm sân hận đã khởi lên. Cái ly trà này thì nóng quá, có phải bạn muốn tôi bị phỏng không? Cái ly trà này quá lạnh, cũng khởi tâm động niệm. Cái ý niệm đó vừa khởi liền A Di Đà Phật, mau chóng đè nén ý niệm đó xuống. Bạn không dụng công như vậy thì sao được? Dụng công được như vậy thì hai ba năm thì sẽ thành tựu. Nếu không dùng cách dụng công như vậy thì 20 năm, 200 năm cũng không thể thành tựu. Vì sao vậy? Không biết dụng công, bạn không biết niệm Phật, việc niệm Phật đó của bạn là hữu khẩu mà vô tâm. Người ta biết cách dụng công, niệm Phật là tâm và khẩu tương ưng, chân thật là đoạn phiền não, chân thật là phá vô minh. Bạn phải giỏi thì mới được. Vô minh, nghiệp chướng tập khí của chúng ta nặng như vậy, biểu hiện ở chỗ nào? Biểu hiện ở trên thân thể, trên thân thể thì bị nhiều bệnh, tinh thần không thể phấn chấn, đặc biệt là mùi ở trên cơ thể rất khó ngửi, đây là nghiệp chướng. Chính mình đối với bản thân còn bất tri bất giác. Quả thật có tu hành, công phu đắc lực, thì cái thể chất này sẽ thay đổi.

Mỗi một người niệm Phật tâm địa đều thanh tịnh. Tâm tịnh thì Phật độ tịnh. Nếu tâm không thanh tịnh thì nhất định không thể sanh Tịnh Độ. Không phải nói niệm Phật thì có thể vãng sanh, lời nói này vốn dĩ không có sai, chỉ là sợ bạn hiểu sai ý của nó. Tôi ngày ngày niệm “A Di Đà Phật, A Di Đà Phật…”, thì tôi khẳng định vãng sanh, vậy thì bạn đã hiểu sai cái ý của câu này. Dùng phương pháp niệm Phật để giúp đỡ chúng ta khôi phục tâm thanh tịnh. Niệm Phật là phương pháp, là phương tiện, mục đích là tâm thanh tịnh. Chúng ta ở trong cuộc sống thường ngày, xử sự đối người tiếp vật, trong tâm mà khởi một niệm tham là không thanh tịnh rồi, liền niệm “A Di Đà Phật” đem ý niệm này trừ bỏ; khởi một cái tâm sân hận là tâm không thanh tịnh, một tiếng “A Di Đà Phật” này đã trừ bỏ đi cái ý niệm sân hận. Câu “A Di Đà Phật” này là phương pháp, là một phương tiện đem tất cả ý niệm bất thiện, ý niệm không thanh tịnh hết thảy đều trừ bỏ, đây gọi là niệm Phật, đây gọi là biết niệm. Tâm tịnh thì Phật độ tịnh, như vậy mà cầu nguyện vãng sanh cùng với Thế giới Tây Phương Cực Lạc hoàn toàn tương ưng. Cho nên, chúng ta dùng một câu Phật hiệu này để tu tâm thuần tịnh, tu tâm thuần thiện, chân thật là không để chút bất thiện nào xen tạp, không để cho chút bất tịnh nào xen tạp. Dụng công là cái công phu này, đây gọi là biết dụng công. Cho nên phàm là người vãng sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, mỗi một người bất luận họ sống ở quốc độ nào, họ là phẩm vị như thế nào, nói cho cùng đều là “phát tâm Bồ Đề, một lòng chuyên niệm”.

Ý nghĩa của câu “một lòng chuyên niệm” nhất định phải rõ ràng, phải thấu đáo, chính là quyết định không để cho một chút bất tịnh, bất thiện xen tạp, thì công phu niệm Phật của chúng ta sẽ đắc lực.
Category
Giảng Pháp

Post your comment

Comments

Be the first to comment