Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Giảng ký - Tập 14/51 [Diễn đọc]

Thanks! Share it with your friends!

You disliked this video. Thanks for the feedback!

Added by admin
19 Views
Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Giảng ký
Tập 14/51 [Diễn đọc]
-----

ĐỨC PHẬT THÍCH CA MUỐN SAU KHI NGÀI VIÊN TỊCH, GIAO PHÓ SỨ MẠNG GIÁO HÓA CHÚNG SANH CHO ĐỊA TẠNG BỒ TÁT, ĐỒNG THỜI CŨNG YÊU CẦU NHỮNG ĐẠI BỒ TÁT NÀY CÙNG CHUNG TRỢ GIÚP.

[Bồ Tát Địa Tạng có đại oai thần lực chẳng thể nghĩ bàn, làm lợi ích rộng lớn cho chúng sanh như thế. Những bậc Bồ Tát quý vị phải ghi nhớ kinh này và tuyên truyền lưu bố rộng ra.]

Đức Phật ở nơi đó dùng cơ hội giáo dục. Hôm nay, những Bồ Tát tham dự hội này quá nhiều, đức Phật Thích Ca muốn sau khi Ngài viên tịch, giao phó sứ mạng giáo hóa chúng sanh cho Địa Tạng Bồ Tát, đồng thời cũng yêu cầu những đại Bồ Tát này cùng chung trợ giúp. Mời Địa Tạng Bồ Tát dẫn đầu, hết thảy chư Bồ Tát phải giúp đỡ Ngài, nên làm cho Ngài hiểu rõ sự việc này. Công việc này là việc làm lợi ích rộng lớn cho chúng sanh, hết thảy chư Phật, Bồ Tát đều có nguyện vọng này, nên bất cứ người nào dẫn đầu đều được cả. Ngài dẫn đầu, chúng ta ở kế bên trợ giúp, dốc toàn tâm toàn lực để ủng hộ, công đức hoàn toàn là bình đẳng. Chỉ là duyên của mỗi cá nhân chẳng giống nhau, trừ duyên ra thì hết thảy đều bình đẳng.

Khi hiểu thấu lý này rồi thì bạn mới vui vẻ tu tập “Tùy hỷ công đức”. Vả lại nói cho chư vị biết, công đức tùy hỷ đều viên mãn. [Thí dụ] Công đức của một người làm việc suốt mấy mươi năm, chúng ta đến chỗ đó nhìn thấy liền tùy hỷ, sanh tâm hoan hỷ thì công đức mấy mươi năm của người đó mình hoàn toàn đạt được. Tại sao vậy? Trong chân tâm không có giới hạn, nó bình đẳng, một được thì hết thảy đều được. Tại sao phần đông người ta không đạt được? Vì trong tâm họ có giới hạn, [họ nghĩ] ông ấy làm chẳng phải tôi làm, tôi chẳng có làm. Thế nên cái được này của họ rất có hạn. Tự mình vạch rõ ranh giới, thì đâu còn cách gì nữa? Tự giới hạn mình, thế thì hư hết. Phía trước có nói đến tâm chí thành, một niệm chí thành, trong tâm ấy không có giới hạn, trong tâm ấy thanh tịnh, bình đẳng. Dùng tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng mà tùy hỷ thì công đức bạn đạt được sẽ viên mãn. Chúng ta ngày nay nếu thực sự dùng tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng để tùy hỷ thì công đức của Địa Tạng Bồ Tát tu được từ vô lượng kiếp chúng ta đều đạt được rất viên mãn, vậy thì làm sao chúng ta không cảm kích cho được! Ngài đã tu hành nhiều đời nhiều kiếp, tu hành vô lượng kiếp, chúng ta hoàn toàn chẳng phí công phu liền đạt được.

Nếu hỏi tại sao bạn có thể đạt được hoàn toàn? Vì tâm chúng ta cùng tâm của Địa Tạng Bồ Tát là một tâm, một tánh, chẳng phải hai. Mười phương ba đời chư Phật cùng chung một pháp thân, pháp thân tức là tự tánh, tự tánh vốn sẵn đủ. Không những công đức của Địa Tạng Bồ Tát tu được, mười phương ba đời hết thảy chư Phật, Bồ Tát tu được cũng chính là mình tu được. Vấn đề là bạn dám đảm đương hay không? Bạn dám tiếp nhận hay chăng? Chân chánh thông suốt, hiểu rõ đạo lý này, hết thảy chư Phật là tự tánh chư Phật, hết thảy Bồ Tát là tự tánh Bồ Tát, hết thảy cõi nước Phật là tự tánh Tịnh Độ. Không phải trong kinh đã nói rõ ràng với bạn rồi hay sao? “Duy tâm tịnh độ, tự tánh Di Đà”, Di Đà là tự tánh, có một vị Phật Như Lai nào chẳng phải tự tánh biến hiện nên? Có vị Bồ Tát nào chẳng phải tự tánh hiện nên? Tự tánh hiện, tự tánh tu, tự tánh thành tựu, hết thảy đều quy về tự tánh, nếu bạn nhìn thấy tự tánh thì hết thảy đều đạt được, nguyên lý là như vậy. Khi chúng ta thực sự rõ ràng, thực sự minh bạch rồi thì lòng tin của chúng ta mới có thể xây dựng, chân tâm thuần thiện, tâm ấy chẳng có mảy may ác niệm, sẽ hiện tiền. Phần đông người ta tu học, trong kinh nói chí tánh vô định. Đó là gì? Chẳng hiểu rõ chân tướng sự thật, lòng tự tin của họ chẳng có cách chi xây dựng được. Thế nên đức Phật trong kinh này nói phải gặp thiện tri thức, thiện tri thức giảng giải, nói rõ sự việc này ra thì lòng tự tin của bạn mới có thể xây dựng, “lòng tin là cội nguồn của đạo, là mẹ của các công đức”, đây là một việc khó nhất.

Thế nên đức Phật phó chúc những đại Bồ Tát này phải làm thiện tri thức cho chúng sanh, quý vị phải ghi nhớ bộ kinh này, phải tuyên nói rộng rãi cho hết thảy chúng sanh, lưu thông rộng rãi. “Bố” là ban bố, ban cơ duyên này cho hết thảy chúng sanh. Thế Tôn ở Đao Lợi thiên cung phó chúc, chúng ta tin tưởng sâu xa, vô lượng vô biên Bồ Tát tham dự trong hội này nhất định sẽ y giáo phụng hành. Họ chẳng phải là người thường, đều là đại Bồ Tát, đều là Ma Ha Tát trong các vị Pháp Thân đại sĩ, đâu phải là người phàm! Đâu có lý nào không hoằng dương, tuyên giảng kinh Địa Tạng! Công đức của kinh Địa Tạng có thể làm cho hết thảy những chúng sanh tạo tội cực nặng đều quay về, chẳng đọa ba đường ác, hưởng phước báo nhân thiên lâu dài, đây là công đức lợi ích của kinh này.

- Trích: Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Giảng Ký
Category
Giảng Pháp

Post your comment

Comments

Be the first to comment