NÔNG NGHIỆP TỰ NHIÊN (Cuộc Cách Mạng Một Cọng Rơm) | Masanobu Fukuoka

Thanks! Share it with your friends!

You disliked this video. Thanks for the feedback!

Added by admin
14 Views
NÔNG NGHIỆP TỰ NHIÊN
[Tiết Kiệm - An Toàn - Hiệu quả]

Ông Masanobu Fukuoka được xem là ông tổ của nông nghiệp tự nhiên và là một triết gia. Ông sinh ra tại thị trấn Iyo, một thị trấn nhỏ trên bờ biển phía Tây thành phố Matsuyama thuộc đảo Shikoku, Nhật Bản, trong một gia đình có truyền thống làm nông nghiệp lâu đời. Ông học trung cấp về vi sinh và khoa học nông nghiệp, sau đó làm việc tại Cục Hải quan Yokohama ở bộ phận kiểm tra cây trồng, chủ yếu giám sát vấn đề bệnh học của các giống cây. Năm 25 tuổi, một biến cố lớn đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời ông.

Năm 1938, ở tuổi 26, ông trở về trang trại của gia đình với ý nghĩ rằng cả trăm lời giải thích của ông sẽ chẳng hiệu quả bằng việc thực hành triết lý, và ông bắt đầu áp dụng phương pháp làm nông tự nhiên, “nông nghiệp không làm gì cả”[*] (do-nothing farming).

Nhưng, để thật sự đạt đến “làm mà không làm”, ông Masanobu Fukuoka đã phải cần đến 30 năm để thử nghiệm những phương thức khác nhau với định hướng xuyên suốt là thuận theo thế giới tự nhiên, trở về với thế giới tự nhiên. Cuối cùng, câu trả lời của ông chính là nông nghiệp tự nhiên dựa trên bốn nguyên tắc:

+ Không cần cày cuốc.
+ Không cần bón phân (hóa học hay vi sinh).
+ Không làm cỏ (kiểm soát cỏ và không dùng thuốc diệt cỏ).
+ Không diệt côn trùng.

Việc ông Masanobu Fukuoka làm là trả toàn bộ rơm rạ lại đồng ruộng, chỉ dùng một ít phân gia cầm nhằm mục đích phân hủy rơm rạ, chọn thời điểm gieo hạt hợp lý, và rồi cứ để mọi thứ thuận theo lẽ tự nhiên cho đến kỳ thu hoạch.

Việc sử dụng rơm rạ một cách tự nhiên để tạo độ phì nhiêu, dinh dưỡng cho đất tình cờ được ông phát hiện từ một khu ruộng bỏ hoang tại tỉnh Kochi, ở đó cây lúa phát triển cực kỳ khỏe mạnh, xuyên qua những cọng rơm rạ ngổn ngang, chẳng cần đến bàn tay chăm sóc của con người. Hiệu quả năng suất lúa và ngũ cốc trên những thửa ruộng tự nhiên của ông Masanobu Fukuoka được chứng minh không thua kém so với những thửa ruộng canh tác hiện đại nhất tại Nhật thời điểm những năm 1970. Một bên rất an nhàn như “không làm gì cả”, một bên phải huy động nhân công, máy móc nông nghiệp, hóa chất, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ... Nghe qua đúng là khó chấp nhận, nhưng đó lại là sự thật.

- Sửa chữa những sai lầm hệ thống

Năm 1979, ông Masanobu Fukuoka đã nổi tiếng với nông nghiệp tự nhiên và bắt đầu được mời đi khắp thế giới để diễn thuyết tại các hội nghị quốc tế, giảng dạy tại các trường đại học cũng như hướng dẫn và làm việc trực tiếp tại các dự án nông nghiệp tự nhiên, các dự án về cải tạo đất và chống sa mạc hóa, từ Hoa Kỳ, Brazil, các nước châu Phi, châu Âu, cho đến Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam (1995), Philippines, Trung Quốc...

Theo giải thích của “nông dân - triết gia” Masanobu Fukuoka trong cuốn Cuộc cách mạng Một-Cọng-Rơm, khi đưa những nhát cày đầu tiên xới đất trên đồng ruộng, con người đã tạo ra cho đất một sự phụ thuộc. Càng cày xới, càng bón phân thì đất càng thoái hóa, càng bạc màu, trong khi vẫn muốn năng suất không đổi hoặc tăng lên, con người phải tiếp tục nghiên cứu những giống lúa mới hơn, phương thức canh tác hiện đại hơn, phân bón và thuốc trừ sâu hiệu quả hơn...

Đó như là một sai lầm hệ thống và không biết đâu là điểm dừng. Và sai lầm hệ thống thì đôi khi chỉ được sửa chữa triệt để bằng cách thay thế chính hệ thống đó! Mặc dù các giống cây trồng và cách thực hành của ông Masanobu Fukuoka chủ yếu đến điều kiện đặc thù của Nhật Bản, thế nhưng những triết lý của ông và nguyên tắc canh tác tự nhiên đã được nghiên cứu áp dụng thử nghiệm trên khắp thế giới.

Chú thích:
* “Không làm gì cả”: ý muốn nhấn mạnh đối với phương pháp làm nông đặc thù này. Thực ra, cách làm nông tự nhiên vẫn là làm việc, nhất là vào thời điểm thu hoạch, nhưng ít hơn nhiều so với các phương pháp khác. Mục tiêu của ông nhắm tới là tránh làm công việc không cần thiết, đặc biệt là các công việc phát sinh do hậu quả của các công việc trước đó.
Category
Giảng Pháp

Post your comment

Comments

Be the first to comment