Học trò của A Di Đà Phật mà không được người nhà hoan nghênh là có vấn đề (Pháp Sư Tịnh Không)

Thanks! Share it with your friends!

You disliked this video. Thanks for the feedback!

Added by admin
94 Views
HỌC TRÒ CỦA A DI ĐÀ PHẬT MÀ KHÔNG ĐƯỢC NGƯỜI NHÀ HOAN NGHÊNH LÀ CÓ VẤN ĐỀ.

Chúng ta dùng phương pháp gì để nhiếp thọ chúng sanh? Dùng Phật tượng, Phật hiệu. Hiện tại máy niệm Phật rất phổ biến, người niệm Phật chúng ta, câu Phật hiệu ở trong nhà 24 giờ không gián đoạn. Nếu bạn nói “người trong nhà tôi không tin Phật, người trong nhà phản đối tôi niệm Phật”, đó là vì chính bạn tu chưa được tốt. Theo lý mà nói, học trò của A Di Đà Phật rất được tất cả chúng sanh hoan nghênh. Bạn là học trò của A Di Đà Phật mà không được mọi người hoan nghênh thì nhất định có vấn đề. Bạn phải cố gắng mà phản tỉnh, cố gắng kiểm điểm, nhất định là chính chúng ta làm không được đúng như pháp. Nếu chính mình làm được đúng y như lý, như pháp thì làm gì có chuyện không được người hoan nghênh chứ? Nhất định nhận được người nhà hoan nghênh. Đại khái việc lễ kính này đối với người trong nhà của bạn, bạn làm không được tốt, “tôi học Phật rồi, nhất định tương lai tôi sẽ vãng sanh làm Phật. Các người không học Phật đều có tội, tương lai đều phải đọa địa ngục”, vậy làm sao bạn có thể cùng sống hòa thuận được với người nhà của bạn chứ? Oan gia đối đầu, vậy thì không thể được, nhất định phải tu lễ kính.

Ngày trước chưa học Phật nên không hiểu được cung kính; hiện tại học Phật rồi, đối với tất cả người lớn người nhỏ trong nhà, bạn đều chân thành cung kính, vậy bạn mới thật học Phật, thật đã thay đổi, vậy thì người cả nhà của bạn làm gì mà không hoan hỉ, làm gì mà không tiếp nhận chứ? Ngày trước không biết tán thán người khác, hiện tại biết tán thán người khác; người trong nhà có lỗi lầm tuyệt đối không nhắc đến, không nên để trong lòng; người nhà có gì tốt thì phải khen ngợi, vậy thì vận khí của cả nhà bạn thật có thể thay đổi. Nhà nhà đều làm như vậy thì liền thay đổi được tập quán của xã hội.

Cúng dường là gì vậy? Cúng dường là phục vụ, nhiệt tâm vì gia đình phục vụ, trong nhà có rất nhiều người, già trẻ lớn nhỏ, vì họ mà phục vụ, chăm sóc đời sống đi lại cho họ, đó chính là cúng dường. Chúng ta dùng thể lực, dùng lao tác để phục vụ, đó cũng là tài cúng dường. Tài có nội tài, ngoại tài, chỗ này gọi là nội tài. Nội tài còn thù thắng hơn so với ngoại tài. Dùng trí tuệ của chúng ta để nâng cao mức sống của gia đình, mong muốn người cả nhà trải qua được hạnh phúc hơn, an vui hơn, vậy chính là bạn đang dùng pháp cúng dường. Bạn dùng trí tuệ để tư duy làm thế nào thay đổi hoàn cảnh trong nhà, khiến cho làm việc thì an tâm làm việc, nỗ lực làm việc, chăm chỉ làm việc; đi học thì nỗ lực học tập, chăm chỉ học tập, chân thật là một gia đình mỹ mãn. Mở rộng ra chính là xã hội hài hòa, xã hội bình yên. Đó thảy đều là ở trong sự cúng dường. Nếu như chúng ta không làm được, chỉ một mực trách cứ người khác thì là sai lầm. Bạn chân thật tu học đúng lý, đúng pháp thì quyết định có thể nhiếp thọ chúng sanh. Nhiếp thọ là gì? Khiến cho người ngưỡng mộ, khiến người noi theo, làm cho người tự động tự phát, hy vọng đến học tập với bạn, đến thỉnh giáo với bạn, đó chính là nhiếp thọ có sức mạnh. Cho nên chúng ta phải chân thật làm đến “nhiếp thọ chúng sanh cúng dường”, nhất định phải làm một tấm gương tốt cho chúng sanh thấy, làm một tấm gương tốt cho xã hội.

(Trích từ Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh tập 13. Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không)
Xin xem thêm tại đây:https://www.tinhkhongphapngu.net/Kinh-Vo-Luong-Tho/Phat-Thuyet-Dai-Thua-Vo-Luong-Tho-Trang-Nghiem-Thanh-Tinh-Binh-Dang-Giac-Kinh-tap-13-388/
Category
Hòa Thượng Tịnh Không

Post your comment

Comments

Be the first to comment