VIỆC TU HÀNH TRƯỚC HẾT CẦN PHẢI LẬP NGUYỆN, VẬY PHẢI LẬP NGUYỆN NHƯ THẾ NÀO CHO ĐÚNG?

Thanks! Share it with your friends!

You disliked this video. Thanks for the feedback!

Added by admin
17 Views
VIỆC TU HÀNH TRƯỚC HẾT CẦN PHẢI LẬP NGUYỆN, VẬY PHẢI LẬP NGUYỆN NHƯ THẾ NÀO CHO ĐÚNG?

Hôm qua giảng đến Ðề Kinh, giới thiệu xong ‘Ðịa Tạng Bồ Tát’, hôm nay chúng ta giới thiệu ‘Bổn Nguyện’ tiếp. Ðề Mục đối với sự tu học của chúng ta quan hệ rất lớn, nhất định phải lý giải rõ ràng. Rất nhiều đồng học chẳng thể nói họ chẳng dụng công, chẳng thể nói họ không tinh tấn, tại sao không thể thành tựu? Thực sự là vì đối với kho báu tâm địa chẳng chân chánh nhận thức rõ ràng. Người thế gian thời xưa bất luận là làm nghề gì, đặc biệt là người đọc sách (có học thức), Phật pháp cũng chẳng ngoại lệ; trong thế pháp chú trọng sự Lập Chí, nếu một người chẳng có chí hướng, cả đời phấn đấu nỗ lực nhưng chẳng có mục tiêu, đương nhiên sẽ chẳng có kết quả. Phật pháp nói về phát nguyện, ý nghĩa của phát nguyện giống như sự lập chí của người thế gian, nhất định phải phát thệ nguyện rộng lớn. Tại sao chúng ta phát nguyện chẳng nổi? Ðạo lý này chẳng khó hiểu. Trong kinh Phật thường ra tỷ dụ, thí dụ như thực vật, tại sao hạt giống chẳng thể nảy mầm, chẳng thể sanh trưởng? Vì hạt giống này chẳng được gieo vào đất. Chúng ta để hạt giống trên bàn, trong tách trà, thì nó vĩnh viễn sẽ chẳng nảy mầm, chẳng lớn lên. Thế nên nguyện nhất định phải có chỗ nương tựa, nương tựa cái gì? Nương tựa đại địa, nương vào tâm địa. Tâm địa chẳng sáng tỏ, nguyện làm sao có thể sanh ra? Nhất định có đạo lý. Cây cối nhất định phải nương vào đại địa mới có thể mọc rễ, mập mạp, ra hoa kết trái.

Ðại nguyện của chư Phật, Bồ Tát đều xây dựng từ tâm địa, thế nên hai chữ Ðịa Tạng rất quan trọng. Tại sao nói tu học Ðại Thừa phải bắt đầu từ ‘Ðịa Tạng’? Tâm nguyện của bạn được kiến lập từ Ðịa Tạng, ‘Hạnh’ của bạn cũng kiến lập từ Ðịa Tạng. Trong tâm địa hàm chứa vô lượng trí huệ, vô lượng đức năng, vô lượng tài nghệ, thì bạn mới phát huy được. Nếu chẳng rõ tâm địa vốn sẵn đủ kho báu đức năng, dù cho bạn khổ tu như thế nào cũng chẳng thành tựu. Nguyện ở đây là hạt giống. Kinh Hoa Nghiêm ví tín tâm như hạt giống, rất có đạo lý. Bạn chẳng tin thì nguyện của bạn sanh từ đâu?

Hai chữ ‘Bổn Nguyện’. Bổn là căn bổn, nghĩa ở đây là nói nguyện này của Ngài chẳng phải đời này mới phát. Chúng ta biết rằng hết thảy chúng sanh đều có đời quá khứ và cũng có đời vị lai, thế nên gọi là ba đời. Ðịa Tạng Bồ Tát đã phát nguyện này trong đời trước, trước quá khứ còn có quá khứ, quá khứ vô thỉ, vô thỉ kiếp đến nay đời đời kiếp kiếp đều phát nguyện này, chúng ta gọi nguyện này là ‘Bổn Nguyện’. Thế nên nguyện này là có căn bổn, chẳng phải chỉ phát trong đời này mà thôi. ‘Nguyện’ là một thứ hy vọng, hy cầu; hy vọng, hy cầu này có thể được thỏa mãn thì gọi là Nguyện. Nếu nói sâu thêm, Bổn chính là chân như bổn tánh, còn Nguyện là từ bản tánh phát sanh ra, đây mới là ý nghĩa chân chánh của ‘Bổn Nguyện’ trong pháp Ðại Thừa.

Bồ Tát như trong kinh Hoa Nghiêm gọi là Pháp Thân đại sĩ, đã đoạn dứt vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, đã đoạn dứt hết rồi. Có câu phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân, đích thật khế nhập vào cảnh giới của quả vị Như Lai, tuy chẳng khế nhập sâu vào, nhưng cũng đã vào, đã minh tâm kiến tánh, nguyện lúc ấy phát ra từ tự tánh. Người chưa kiến tánh xây dựng tâm nguyện này từ trong Thức. Chúng ta nói có đời quá khứ, trong đời quá khứ còn đời quá khứ trước, nhiều đời nhiều kiếp đều phát nguyện này, đây là nói từ Thức Tâm; sau khi minh tâm kiến tánh thì là từ Bản Tánh, hai nghĩa này đều có thể gọi là Bổn Nguyện, ý nghĩa của Bổn Nguyện có sâu cạn khác nhau.

Nhưng trong Tướng Dụng còn gần hơn. Trên Sự Tướng vô lượng kiếp qua đời đời kiếp kiếp đều có nguyện này, nguyện lực này rất mạnh, chẳng bị cảnh giới bên ngoài di động. Cho dù bị cảnh giới lay động, nó xoay về rất nhanh, nó sẽ giác ngộ, sẽ quay về, sẽ sám hối. Nếu nguyện mới phát trong đời này, hoặc trong đời trước, hai đời trước, sức mạnh của nó rất yếu, rất dễ bị ngoại cảnh mê hoặc; sau khi mê chẳng dễ quay về, chẳng biết sám hối, thế nên chúng ta biết sức mạnh của nguyện này chẳng lớn, chẳng có ‘bổn’, nếu có bổn thì nhất định sẽ chịu quay về. Trong Quán Kinh chúng ta thấy vua A Xà Thế tạo ra nhiều tội nghiệp, đến khi nhận chịu quả báo, bịnh khổ hiện tiền, tướng địa ngục hiện ra, ông có thể hối lỗi, có thể sửa đổi, như vậy nghĩa là đời quá khứ, nhiều đời kiếp trước tu hành có sức mạnh, nguyện lực của ông rất mạnh, tuy có một lúc hồ đồ, một lúc mê mất, nhưng đến lúc nguy ngập, cấp bách ông còn có thể giác ngộ. Ðây là xét trên Sự Tướng.

Nguyện của Pháp Thân Bồ Tát phát từ trong tự tánh, đó mới là bổn nguyện chân thật, nhất định sẽ chẳng bị cảnh giới bên ngoài lay động. Cho dù ở thời đại hiện nay, trong kinh Phật nói: ‘Tà sư thuyết pháp như cát sông Hằng’, họ cũng sẽ như như chẳng động, chẳng bị ảnh hưởng. Ðây là một ý của Bổn Nguyện.

- Trích: Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Giảng Ký, quyển thượng, tập 01 và 02, HT. Tịnh Không chủ giảng.
Category
Giảng Pháp

Post your comment

Comments

Be the first to comment