ĐÔI ĐIỀU KHAI THỊ VỀ NHỮNG BẢN HỘI TẬP CỦA KINH ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ.

Thanks! Share it with your friends!

You disliked this video. Thanks for the feedback!

Added by admin
15 Views
ĐÔI ĐIỀU KHAI THỊ VỀ NHỮNG BẢN HỘI TẬP CỦA KINH ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ.

Năm xưa lúc Thế Tôn còn tại thế, kinh Vô Lượng Thọ khẳng định là đã được giảng nhiều lần, mỗi lần tuyên giảng pháp môn này thì thính chúng đều khác nhau. Trong kinh ghi Thường Tùy Chúng là bao nhiêu đó người, trừ những vị Thường Tùy Chúng ra, phần đông những người còn lại [trong mỗi lần giảng đều] chẳng giống nhau. Thế nên đức Phật đối với sự giới thiệu Tịnh Tông, giới thiệu Tây Phương Cực Lạc thế giới có giản lược, tường tận khác nhau, nên sau này kết tập kinh điển, nội dung kinh điển khác biệt rất lớn. Rõ ràng nhất là bốn mươi tám nguyện trong năm bản dịch gốc, có kinh thì ghi hai mươi bốn nguyện, có kinh thì ghi bốn mươi tám nguyện, có kinh thì ghi ba mươi sáu nguyện, đây là sự khác biệt rõ ràng nhất. Nếu đức Phật chỉ giảng một lần, bất luận người dịch kinh là ai, con số này nhất định phải giống nhau, không thể nào khác biệt nhiều như vậy, từ chỗ này có thể chứng minh là Phật đã giảng kinh này nhiều lần. Chúng ta muốn nhận thức Tây Phương Cực Lạc thế giới, hiểu rõ viên mãn thì phải đọc hết những lần Phật giới thiệu [ghi trong những bản kinh gốc này].

Ðến những năm đầu thời Dân Quốc, bản hội tập của lão cư sĩ Hạ Liên Cư ra đời, bản hội tập này thực sự rất hoàn thiện. Nhưng có một số người chấp trước thành kiến, phản đối bản hội tập này, muốn đề xướng đọc năm bản dịch gốc. Nếu phản đối bản hội tập, đề xướng một trong năm bản dịch gốc, thì trong bốn bản còn lại vẫn còn một số kinh văn quan trọng sẽ chẳng đọc đến. Mục đích của việc đọc tụng Ðại Thừa là để phá nghi sanh tín, là để xây dựng lòng tin. Ðây đều là thiên lậu chấp, thiên kiến, thiển kiến, hiểu biết nông cạn, những chấp trước này đều sai lầm. Lại nói cụ Hạ là cư sĩ, cư sĩ chẳng có tư cách để hội tập kinh tạng. Vương Long Thư là cư sĩ, Bành Tế Thanh cũng là cư sĩ, Ngụy Nguyên cũng là cư sĩ; đại sư Liên Trì là người xuất gia, là Tổ sư Tịnh Ðộ Tông. Đại sư Liên Trì có thể dùng bản của ông Vương, đại sư Liên Trì chẳng nói “Vương Long Thư là cư sĩ, chẳng có tư cách hội tập”, chẳng nói như vậy. Nếu nói người tại gia không thể làm chuyện này, nhất định phải là người xuất gia mới làm được, thế thì Phật pháp đã mất bình đẳng, nói cách khác, quyết định chẳng thể vãng sanh Tịnh Độ. Tịnh Độ là pháp bình đẳng, trong đề kinh có ghi “Thanh Tịnh, Bình Ðẳng, Giác”, tâm của bạn chẳng thanh tịnh, chẳng bình đẳng, một ngày niệm mười vạn tiếng Phật hiệu cũng chẳng thể vãng sanh. Tâm tịnh thì cõi nước tịnh, tâm bình thì cõi nước bình, Tây Phương Cực Lạc thế giới là cõi nước thanh tịnh, bình đẳng, chư vị nhất định phải hiểu rõ đạo lý này.

Cụ Hạ chẳng phải người thường, sau khi bản hội tập của cụ ra đời, rất tiếc là đại sư Ấn Quang đã vãng sanh, Ấn Tổ chẳng xem qua bản này, tôi tin tưởng nếu Ấn Tổ xem bản này nhất định sẽ tán thán, sẽ tán thành. Tại sao vậy? Những lỗi lầm của các bản hội tập trước kia bản này đều chẳng có, bản hội tập này chẳng sửa đổi một chữ nào trong các bản dịch gốc, lại chọn lựa chữ vô cùng hợp lý, đương thời lão hòa thượng Huệ Minh khẳng định, đương thời đại đức bên Luật Tông là lão hòa thượng Từ Châu cũng khẳng định. Lão hòa thượng Từ Châu dùng bản hội tập này giảng tại Tế Nam, đại đức tại gia là lão cư sĩ Mai Quang Hy dùng bản hội tập này giảng trên đài phát thanh Trung Ương. Ngày nay bản hội tập này đã lưu thông khắp thế giới, phù hợp với lời tiên tri của lão cư sĩ lúc lâm chung, Ngài nói với học trò rằng tương lai bản hội tập này sẽ từ hải ngoại truyền trở về Trung Quốc, lời này đã thành sự thật. Lúc bấy giờ mọi người đều hoài nghi, ngày nay đã khẳng định rồi, quả thật là như vậy. Ngài lại nói kinh này sẽ truyền khắp thế giới, bản hội tập của cụ Hạ hoàn toàn tương ứng với lời tiên tri của cụ. Chúng ta nhất định phải có lòng tin kiên định, nhất định chẳng hoài nghi, y giáo phụng hành, phải thường đọc tụng. Những gì trong kinh Phật dạy chúng ta làm thì chúng ta phải hết lòng nỗ lực làm theo; những gì Phật dạy chúng ta không được làm, chúng ta nhất định phải tuân thủ. Niệm Phật như vậy phát nguyện vãng sanh thì đời này chúng ta mới thành tựu, chúng ta phải tin tưởng lời Phật dạy.

Mỗi chữ mỗi câu trong bản hội tập của cụ Hạ đều là nguyên văn từ năm bản dịch gốc, nếu có nghi hoặc thì chư vị có thể lấy năm bản dịch gốc ra để đối chiếu, lúc trước tôi đã in, tên cuốn này là Tịnh Ðộ Ngũ Kinh Ðộc Bổn. Trong đó có năm bản dịch gốc, bốn bản hội hiệu, tổng cộng chín bản của kinh Vô Lượng Thọ đều nằm trong cuốn này, mọi người có thể đối chiếu. Ba bản dịch của kinh Di Ðà, ba bản này là: Bản dịch của đại sư La Thập, bản dịch của đại sư Huyền Trang, bản hội tập của lão cư sĩ Hạ Liên Cư, cả ba đều in chung. Mục đích in cuốn này là để xây dựng lòng tin vững chắc cho chư vị đồng tu, đừng để người ta lung lạc dễ dàng, làm hỏng đại sự nhân duyên của chúng ta trong đời này, như vậy thì rất đáng tiếc.

- Trích: Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Giảng Ký, quyển thượng, tập 01, HT. Tịnh Không chủ giảng.
Category
Giảng Pháp

Post your comment

Comments

Be the first to comment